Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Bao cao su không phải "bằng chứng lăng nhăng"


Những con số mới nhất được Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cung cấp cho thấy những cảnh báo đáng lo ngại vì tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục đang ngày càng tăng lên. Trong khi đó, bao cao su - phương tiện hiệu quả nhất phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn chưa được xem là một thứ “hàng hóa bình thường” vì vấp phải những quan niệm chưa đúng và sự mâu thuẫn trong cơ sở pháp lý.
 
Cảnh báo nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng
 
Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2010, có hơn 4.800 trường hợp mới xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV. So với cùng kỳ năm 2009, số người nhiễm HIV được báo cáo mới xét nghiệm phát hiện giảm 27,08%. Các trường hợp mới được phát hiện vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh trọng điểm. Tuy nhiên, trong các trường hợp mới được phát hiện thì tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục có sự gia tăng rõ.
 
Đặc biệt, ở khu vực miền Nam, phần lớn số người nhiễm HIV được báo cáo trong quý I năm 2010 là do lây truyền qua đường tình dục, chiếm tỷ lệ 54,4%. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở một số tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu đều trên 90%. Trong khi đó, đường lây truyền HIV chủ yếu ở khu vực miền Bắc là do lây qua đường máu chiếm 63,1%.
 
Theo một nghiên cứu gần đây về tỷ lệ nhiễm HIV, giang mai và các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV ở đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, có nơi lên tới 3,3%, trong khi đó nhận thức của họ về con đường lây lan HIV/AIDS qua đường tình dục cũng còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, mặc dùng giới trẻ hiện nay có quan niệm cởi mở hơn đối với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và tuổi quan hệ tình dục lần đầu còn có xu hướng “trẻ hoá” nhưng việc trang bị kiến thức tình dục còn rất hạn chế. Theo kết quả Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 mới công bố tháng 8/2010, có tới 43% chưa có hoặc chưa có đầy đủ kiến thức phòng tránh HIV, trong đó nhiều người còn cho rằng HIV có thể lây truyền qua muỗi hay côn trùng đốt, ăn uống dùng chung bát đũa hoặc qua đường hô hấp.
Ảnh minh họa
 Bao cao su - phương tiện hiệu quả nhất phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Cần coi bao cao su là một hàng hóa bình thường 
Trao đổi với VnMedia, Thạc sĩ Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cho biết, việc sử dụng bao cao su đúng cách chính là biệp pháp hiệu quả nhất để tránh thai và phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức chủ động sử dụng bao cao su khi quan hệ với bạn tình.
 
Nhiều năm qua, chúng ta đã cố gắng nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn và đưa bao cao su đến với các cộng đồng, các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao đối với HIV/AIDS, tuy nhiên, kết quả cũng chưa đạt được nhiều như chúng ta mong muốn vì vẫn phải gặp phải một số khó khăn, trở ngại. Một nguyên nhân chính là do quan niệm xã hội về bao cao su rất khác nhau. Hình ảnh bao cao su còn chưa được cải thiện nhiều trong mắt người dân, nhiều người còn ngượng ngùng khi nói đến từ “bao cao su” chứ chưa nói đến là vào cửa hàng mua bao cao su, thậm chí nhiều bà vợ còn coi việc bắt gặp bao cao su trong túi áo của chồng là bằng chứng  lăng nhăng. Chính vì vậy, nhiều người rất ngại mang bao cao su trong người.
 
Đặc biệt, chưa có sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Ví dụ: trong Luật Phòng chống HIV/AIDS có quy định, một trong các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS là cung cấp bao su miễn phí hoặc bán trợ giá và hướng dẫn sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ cao như: người mua dâm, bán dâm, người nghiện chất dạng thuốc phiện, người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới… Vì vậy, việc có bao cao su mang theo người, đặc biệt trong những đối tượng này là hoàn toàn hợp lý. Nhưng trong thực tế, mỗi lần lực lượng công an truy quét đối tượng tiêm chích ma tuý hay gái mại dâm, nếu các đối tượng này có bao cao su trong người thì đó có thể như một bằng chứng chứng minh. Chính vì vậy, phần lớn mọi người ngại mang theo bao cao su trong người.
 
Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm và coi bao cao su là một hàng hoá bình thường chứ không phải là một bằng chứng phạm tội hay lăng nhăng. Có như vậy,việc sử dụng bao cao su mới mang lại hiệu quả cao trong việc phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nói chung và lây nhiễm HIV/AIDS nói riêng.

Theo vnmedia.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét